Nhằm chủ động hơn trong việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong dịch COVID-19, Bộ GDĐT cho biết sẽ được tổ chức rút ngắn trong 2 ngày với 4 buổi thi nhằm giảm áp lực, tốn kém đối với học sinh, phụ huynh học sinh.
Tại phiên họp thường kì Chính phủ diễn ra sáng nay (5/5), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm nay Bộ GDĐT phân cấp cho các địa phương tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Kì thi gồm các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học xã hội (KHXH). Thí sinh thi THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH).
Thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải thi 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (KHTN hoặc KHXH); thí sinh GDTX có thể dự thi thêm bài Ngoại ngữ.
Thí sinh tự do tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GDĐT cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Thời gian làm bài thi cụ thể như sau: Ngữ văn: 120 phút; Toán: 90 phút; Ngoại ngữ: 60 phút; bài thi KHTN và KHXH: 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần. Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi: 1 buổi thi bài thi Ngữ văn, 1 buổi thi Toán, 1 buổi thi Ngoại ngữ và 1 buổi thi bài thi tổ hợp.
Kết quả kì thi được các sở GDĐT dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được cụ thể hóa trong qui chế thi. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo qui định của Luật Giáo dục 2019.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, phương án trên có một số ưu điểm nổi bật như ít bị phụ thuộc vào diễn biến của bệnh dịch COVID-19. Các địa phương chủ động hơn trong kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với đó, giảm áp lực, tốn kém đối với học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội trong bối cảnh các địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, học sinh phải nghỉ học ở trường dài ngày.
Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh và chủ động hơn trong phương án tuyển sinh. Đây cũng là cơ hội để các trường khẳng định năng lực tự chủ, khả năng thích ứng với các thay đổi, tạo tiền đề để đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ các năm tới theo tinh thần đẩy mạnh tự chủ đại học.
Tuy nhiên, phương án này cũng có một số hạn chế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhất là đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao hoặc nguy cơ, ảnh hưởng đến học tập của học sinh cả nước trong học kì 2 thì kì thi tốt nghiệp THPT phần nào cũng sẽ gây áp lực cho một bộ phận học sinh và phụ huynh, nhất là ở những vùng khó khăn…
Nguồn: VietnamBiz.vn